ĐÔI NÉT VỀ HỘI CHỨNG TỰ KỶ VÀ NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ TRẺ TỰ KỶ

PHẦN 1: ĐÔI NÉT VỀ HỘI CHỨNG RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ

Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ nhưng tương đối hoàn chỉnh và được sử dụng phổ biến nhất là khái niệm của Liên hợp quốc được đưa ra vào năm 2008:

Rối loạn phổ tự kỷ (autism) là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời.

Rối loạn phổ tự kỷ là do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn ở nhiều quốc gia, không phân biệt giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế - xã hội. Đặc điểm của nó là sự khó khăn trong tương tác xã hội, các vấn đề về giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, và có các hành vi, sở thích và hoạt động hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng được nhận biết bởi các biểu hiện đặc trung:

  • Khiếm khuyết về mặt tương tác xã hội: không/ít giao tiếp mắt; không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, lơ đễnh;thường chơi một mình; ít phản ứng khi được gọi tên, kém bắt chước, kém chia sẻ, …
  • Khiếm khuyết về mặt giao tiếp. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình, có khi phát âm những âm vô nghĩa, lặp đi lặp lại. Không biết bắt chước người lớn để làm theo, nói theo; khi có nhu cầu bé không biết làm cho người lớn hiểu mình cần gì; phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần bé mới có thể làm theo.
  • Hành vi, sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại. Trẻ chỉ thích chơi với một thứ, quan tâm đến chi tiết hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào (ví dụ trẻ chỉ xoay tròn chiếc bánh xe chứ không để xe chạy dưới sàn). Ngoài ra, trẻ thích sinh hoạt của mình được thực hiện theo 1 cách nào đó và lặp đi lặp lại đúng trình tự như vậy, khó chịu khi bị thay đổi (đồ ăn, quần áo). Thường xuyên thực hiện các vận động lặp lạinhư xoay vòng, vẫy tay trước mắt, lắc người từ trước ra sau, đi nhón chân…

Những khiếm khuyết này đồng thời cũng là những khó khăn gây trở ngại đối với sự phát triển chung của một trẻ mắc hội chứng tự kỷ.

 

PHẦN 2: NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ TRẺ TỰ KỶ 

Xã hội ngày càng hiện đại, theo đó là sự phát triển của nền giáo dục và trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Cụm từ “trẻ tự kỷ” đã không còn xa lạ, tuy nhiên, nhận thức của xã hội về chứng tự kỷ vẫn chưa đầy đủ và đúng đắn. Đôi khi người ta dùng khái niệm “tự kỷ” như một cách trêu đùa, thiếu cân nhắc mà quên mất bản chất và tính nghiêm trọng của nó. Dưới đây là 7 quan niệm sai lầm thường gặp về tự kỷ:

Thứ nhất: Tự kỷ là một bệnh lý

Tự kỷ là một hội chứng,một loại khuyết tật phát triển do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có rất nhiều người gọi tự kỷ là bệnh. Cách hiểu này dẫn đến những sai lệch về quan niệm, cách điều trị cho trẻ tự kỷ.

Khi gọi tự kỷ là bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu rằng đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con đi tìm thầy thuốc chạy chữa khắp nơi, cho con uống các loại “thuốc bổ quý hiếm” mà không quan tâm đến các phương pháp can thiệp giáo dục hiệu quả đã được khoa học chứng minh. Điều này dẫn đến tình trạng tự kỷ ở trẻ ngày một nặng hơn.

Thứ 2: Có thuốc chữa tự kỷ

Như đã nói, tự kỷ không phải là bệnh và cho đến nay những hiểu biết về căn nguyên cũng như cơ chế của chứng tự kỷ còn rất hạn chế. Chính vì vậy, chưa có một loại thuốc đặc trị nào cho chứng tự kỷ. Các thuốc được sử dụng kết hợp cùng các kế hoạch giáo dục phù hợp nhằm mục tiêu giảm các triệu chứng của tự kỷ như: rối loạn giấc ngủ, hung hăng, kích động hoặc các triệu chứng về đường tiêu hóa, …

Thứ 3: Tự kỷ xuất hiện do trẻ thiếu sự quan tâm từ cha mẹ

Hầu như tất cả phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã vô cùng đau khổ. Họ và thậm chí những người xung quanh thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ.

Do vậy, quan niệm trẻ tự kỷ do cha mẹ ít quan tâm, gần gũi, không nói chuyện với trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực chất, đây là những yếu tố khiến cho tình trạng tự kỷ trở nên nặng hơn.

Thứ 4: Trẻ tự kỷ lầm lì, không giao tiếp với ai

Sự thật là trẻ em mắc chứng tự kỷ không chơi và tương tác, giao tiếp với những đứa trẻ khác không phải vì chúng “không muốn”, mà vì chúng “không biết làm thế nào để chơi cùng”

Trẻ chỉ hiểu trò chơi với mô hình cố định và các chuyển động lặp đi lặp lại. Để có thể phá vỡ “lớp áo” lầm lì này, những trẻ khác phải được hiểu thiếu sót của bạn, thông cảm và cho phép trẻ tự kỷ chơi cùng.

Thứ 5: Trẻ tự kỷ đều giống nhau

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, hành vi và sở thích hạn hẹp, lặp đi lặp lại, đây là 3 vấn đề chính mà toàn bộ trẻ tự kỷ đều gặp phải. Tuy nhiên, các triệu chứng xuất hiện khác nhau với tính nghiêm trọng khác nhau ở từng trẻ tùy theo mức độ khuyết tật. Do đó, không có hai trẻ tự kỷ nào biểu hiện giống nhau hoàn toàn.

Thứ 6: Trẻ tự kỷ có trí tuệ kém

Theo thống kê, có khoảng 70-80% trẻ em tự kỷ có chỉ số IQ dưới trung bình (<70). nghĩa là trẻ vừa tự kỷ vừa khuyết tật trí tuệ/ chậm phát triển trí tuệ. Số còn lại có chỉ số IQ từ trung bình trở lên.

Trong số đó, vẫn có những trẻ tự kỉ thiên tài - chỉ số IQ cao (có khả năng nổi bật về một lĩnh vực nào đó như: vẽ, ghi nhớ con số, chơi nhạc cụ, lắp ráp, máy tính... ) chiếm từ 1 đến 2%. Ví dụ điển hình là nhà vật lý Isaac Newton (Anh), nhà vật lý Albert Einstein (Mỹ), nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (Đức), nhà văn George Orwell (Anh), thiên tài âm nhạc Mozart (Áo), nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch). Họ là những trường hợp tự kỷ thiên tài đã được nhân loại công nhận.

Do đó, những nhận định: trẻ tự kỷ đều có trí tuệ kém hay tự kỷ đều là thiên tài đều mang tính chất phiến diện, thiếu chính xác.

Thứ 7: Trẻ tự kỉ không thể giao tiếp

Khoảng từ 40 đến 50% trẻ em tự kỷ gặp vấn đề về ngôn ngữ hoặc không có ngôn ngữ nói; trường hợp này thường là khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ được phát hiện sớm và được trị liệu ngôn ngữ tập trung, thì có đến 3/4 trẻ tự kỷ sẽ nói được.

Rất nhiều trẻ tự kỷ có giao tiếp mắt. Có thể là ít hơn hoặc khác so với trẻ phát triển bình thường, nhưng trẻ có thể nhìn vào mắt những người đối diện, cười, và thể hiện rất nhiều những giao tiếp không lời khác.

 

Trường Mầm Non Chuyên Biệt Bình An

Số 92, đường D9, khu dân cư Chánh Nghĩa, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương
Điện thoại: 0274 - 3818776

Di động: 0909 398 006 hoặc 0937 317 006
Giờ học: từ 6h30 đến 16h30
Can thiệp ngoài giờ: 17h00 đến 19h00
Email:

Log in

Notice: Trying to access array offset on value of type null in /home/mamnonch/public_html/templates/gk_university/layouts/blocks/tools/login.php on line 21
" /> create an account